Chỉ thị 267/TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước trong tình hình mới

Chỉ thị 267/TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước trong tình hình mới. Công tác bảo vệ bí mật Nhà nước đã được tăng cường, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

CHỈ THỊ

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 267-TTG NGÀY 24 THÁNG 4 NĂM 1997
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN PHÁP LỆNH
BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC TRONG TÌNH HÌNH MỚI

 

Qua hơn 5 năm thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước ban hành ngày 8-11-1991 và Quy chế Bảo vệ bí mật Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 84-HĐBT ngày 9-3-1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), công tác bảo vệ bí mật Nhà nước đã được tăng cường, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, tình trạng lộ bí mật Nhà nước ở một số cơ quan, địa phương còn nghiêm trọng. Bên cạnh đó còn có trường hợp lạm dụng các quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước, hạn chế việc thông tin cho nhân dân biết nhiều chính sách, quy định của Nhà nước không nằm trong phạm vi Bảo mật. Sở dĩ có tồn tại trên là do một số cơ quan, đơn vị, địa phương đến nay vẫn chưa xác định được danh mục bí mật Nhà nước thuộc phạm vi cơ quan, địa phương mình; Có nơi đã xác định xong danh mục bí mật Nhà nước nhưng chưa xây dựng quy chế bảo vệ bí mật, chưa có tổ chức và cán bộ chuyên trách làm công tác bảo mật.

Để khắc phục tình trạng nói trên, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các việc sau đây:

  1. Tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước. Nội dung sơ kết phải căn cứ vào những quy định Pháp lệnh, Quy chế bảo vệ bí mật Nhà nước và tình hình thực hiện để đánh giá rõ những việc đã làm được, những thiếu sót, tồn tại và nguyên nhân. Trên cơ sở đó có kế hoạch và những biện pháp khả thi cụ thể nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn pháp lệnh trong cơ quan, đơn vị.
  2. Đẩy mạnh công tác bảo vệ bí mật Nhà nước, thường xuyên bổ sung danh mục bí mật và giải mật phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội. Những Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa xây dựng xong danh mục bảo vệ bí mật Nhà nước phải khẩn trương xây dựng và chậm nhất đến quý III năm 1997 phải có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
  3. Bố trí đủ cán bộ lãnh đạo có năng lực và trình độ chuyên môn phụ trách và cán bộ chuyên trách trực tiếp làm công tác bảo mật tại cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật. Trang bị đầy đủ phương tiện và tạo điều kiện cần thiết phục vụ công tác bảo vệ bí mật Nhà nước; giáo dục cán bộ, nhân viên ý thức cảnh giác, giữ gìn bí mật. Cơ quan, đơn vị và cá nhân nào làm lộ bí mật, mất tài liệu mật thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị đó chịu trách nhiệm liên đới trước cấp trên về mọi hậu quả xảy ra; Đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng phải tổ chức truy xét làm rõ vụ việc lộ bí mật, xử lý nghiêm minh người vi phạm.
  4. Có biện pháp cụ thể nhằm tăng cường giáo dục quản lý cán bộ, nhất là cán bộ nắm giữ nhiều bí mật Nhà nước, các cán bộ thường xuyên đi công tác nước ngoài hoặc làm việc với người nước ngoài. Chấn chỉnh việc bảo vệ bí mật của từng cơ quan, đơn vị từ khâu quy định độ mật đến khâu in sao, phát hành tài liệu. Việc mang tài liệu ra nước ngoài, nội dung thông tin dùng để tham gia hội nghị, hội thảo quốc tế, đàm phán, ký kết các dự án, hợp đồng kinh tế với đối tác nước ngoài… Các hoạt động thông tin, liên lạc, nhất là qua mạng viễn thông (fax, MoBi Fone, dịch vụ E.mail và Internet…) phải được cấp có thẩm quyền duyệt và phải được quản lý theo đúng quy định của pháp luật.
  5. Bộ Văn hoá – Thông tin chấn chỉnh việc đưa tin trên báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng khác. Các cơ quan báo chí, xuất bản phải thực hiện nghiêm túc Luật Báo chí, Luật Xuất bản và Nghị định số 133-CP, Nghị định số 79-CP quy định chi tiết việc thi hành Luật Báo chí, Luật Xuất bản, vừa mở rộng thông tin đến nhân dân, vừa thực hiện đúng các quy định giữ gìn bí mật Nhà nước.
  6. Bộ Nội vụ hướng dẫn tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước, tổng hợp kết quả và báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào quý IV năm 1997; Phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức thanh tra, kiểm tra có trọng điểm về thực hiện Pháp lệnh ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương; xem xét, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước cho phù hợp với tình hình mới.

Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kế hoạch khẩn trương triển khai thực hiện, có báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ, đồng thời gửi Bộ Nội vụ để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trên đây là Chỉ thị 267/TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước trong tình hình mới mà cafegoc.com cập nhật để các bạn tham khảo!

Chính Sách – Tags: Chỉ thị 267/TTg

  • Nghị quyết 99/NQ-CP 2017 thực hiện Nghị quyết 11 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường

  • Nghị Quyết 85/2019/QH14 Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2020

  • Quyết định 588/QĐ-TTg 2019 đề án hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn

  • Nghị định 157/2016/NĐ-CP sửa đổi hướng dẫn Pháp lệnh Cựu chiến binh

  • Tải ngay nghị định 101/2005/NĐ-CP của Chính phủ về thẩm định giá

  • Luật Quốc tịch Việt Nam năm 1998

  • Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2005